Châu Á ảm đạm khi tiền tệ tiếp tục trượt giá

Năm nay, các đồng tiền châu Á đã mất giá đáng kể so với đồng đôla do hoạt động bán tháo tăng nhanh sau một loạt các đợt tăng lãi suất ở Mỹ. Xu hướng này đang bóp nghẹt ngân sách của doanh nghiệp và túi tiền của hộ gia đình trong toàn khu vực, khiến nhiều người tiêu dùng tự hỏi khi nào thì nỗi đau này mới kết thúc.

Chủ doanh nghiệp phải đối mặt với những quyết định khó khăn

Một quán ăn nhỏ ở Bangkok nhiều năm qua vẫn phục vụ cơm thịt heo chiên với giá chỉ từ 25 baht, tương đương 95 yên. Gần đây, chủ quán đã đưa ra quyết định khó khăn là tăng giá 2 baht đối với tất cả các món trong thực đơn. Đó là cách duy nhất để duy trì hoạt động kinh doanh.

Quản lý quán cho biết sự giảm giá của đồng baht không chỉ khiến giá nguyên liệu tăng mà cả giá gas, hộp nhựa và vận chuyển đi lại cũng tăng khoảng 10%. Người quản lý cho biết: “Không có một sản phẩm nào rẻ hơn cả. Tất cả đều đắt lên”.

Một nữ khách hàng có công việc thu nhập thấp cho biết cô hiểu quyết định tăng giá của các doanh nghiệp, nhưng điều đó buộc cô phải cân nhắc hơn với túi tiền của mình.

Bán tháo tiền tệ châu Á

Vào cuối tháng 9, đồng baht đã giảm xuống dưới ngưỡng 38 baht/1 đôla, mức thấp nhất trong 16 năm. Sự sụt giảm này xuất phát từ khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất cơ bản của Thái Lan và Mỹ ngày càng gia tăng. Chênh lệch đó đã khiến các nhà giao dịch tiền tệ bán tháo đồng baht và các đồng tiền khác của châu Á để mua đồng đôla với kỳ vọng thu lời. Đợt bán tháo này đẩy đồng đôla tiếp tục mạnh lên và đẩy các đồng tiền châu Á xuống mức thấp lịch sử.

Đồng rupee của Ấn Độ và peso của Philippines đều đang ở mức yếu nhất từ ​​trước đến nay so với đồng đôla. Từ đầu năm đến nay, đồng yên Nhật đã mất giá khoảng 25% so với đồng bạc xanh, đồng won của Hàn Quốc mất khoảng 20% ​​và đồng ringgit của Malaysia mất khoảng 15%.

Do đồng tiền của Mỹ được sử dụng để mua bán hàng hóa trên toàn cầu, đồng đôla tăng giá mạnh so với các đồng tiền châu Á đã làm tăng đáng kể chi phí nhập khẩu thiết yếu như xăng và thực phẩm, khiến lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia.

Giá gạo tăng

Giá gạo đang có xu hướng tăng.

Gạo cũng không phải ngoại lệ. 20% nguồn cung gạo của Philippines là nhập khẩu từ các nước láng giềng. Vì thế, nước này dễ bị ảnh hưởng khi chi phí nhập khẩu tăng. Dữ liệu gần đây cho thấy giá gạo trong tháng 8 đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một phụ nữ mua gạo cho gia đình lo lắng về giá tăng.

Một bà mẹ 47 tuổi có 4 người con cho biết cô chỉ có số tiền tương đương khoảng 68 xu Mỹ để mua 1 cân gạo. Cô nói: “Tôi đang cố gắng tiết kiệm bằng cách mua gạo thành nhiều lần, mỗi lần một ít. Chứ nếu tôi mua số lượng lớn, gia đình tôi ăn hết ngay. Nhưng giờ tôi lo rằng gạo sẽ đội giá quá cao khi đồng đôla tăng giá”.

Chi phí vận chuyển tăng vọt

Người đi làm đi học ở Philippines cũng không sung sướng gì. Giá vé tối thiểu cho một lượt đi xe buýt nhỏ jeepney đã tăng 30% kể từ tháng 6, sau quyết định của chính phủ về việc tăng chi phí giao thông công cộng để giúp tài xế và hãng điều hành đối phó với giá xăng và dầu diesel tăng. Giá xăng tăng 30% kể từ năm ngoái, còn dầu diesel tăng 70%.

Một học sinh độ tuổi thiếu niên cho biết: “Mẹ tôi bảo hãy tiết kiệm vì chúng tôi không kiếm đủ tiền. Chính phủ nên giảm giá nhiên liệu vì nó đang ảnh hưởng đến những học sinh như tôi”.

Ký ức khủng hoảng kinh tế trong quá khứ

Tình hình này khiến nhiều người nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi đó, cuộc khủng hoảng bắt đầu nổ ra ở Thái Lan, nơi ngân hàng trung ương cạn kiệt đôla Mỹ mà họ đang sử dụng để giữ cho đồng baht ổn định. Tỷ giá của đồng baht đang từ 25 baht/1 đôla xuống còn khoảng 50 baht/1 đôla, gây ra sự hoảng loạn nhanh chóng lan sang các quốc gia khác trong khu vực.

Lúc đó, ông Sawat Horrungrueang đang là chủ sở hữu của 2 nhà máy thép lớn của Thái Lan. Ông đã phá sản gần như chỉ sau một đêm và gánh một khoản nợ khổng lồ. Ông đã trả hết nợ và hiện đang điều hành một loại hình kinh doanh ít chịu ảnh hưởng của biến động tiền tệ. Ông nói: “Bây giờ, tôi hạnh phúc hơn nhiều. Cuộc khủng hoảng năm 1997 đã giết chết công ty của tôi. Hiện nay tôi không có bất kỳ rủi ro kinh doanh nào”.

Ông Sawat nói rằng tình hình bây giờ không thể so sánh với cuộc khủng hoảng năm 1997 vì có quá nhiều yếu tố khác đang diễn ra, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông cho biết thêm một cảnh báo đáng ngại: Nếu một vụ sụp đổ lớn xảy ra, nó sẽ xảy ra vào thời điểm chúng ta không ngờ tới, với tác động mà chúng ta không thể lường trước được.

 

ーーーーーーーーーーーーーーーーーーーーー
Liên hệ KYODAI GROUP để biết thêm thông tin về cuộc sống – du học – việc làm Nhật Bản

関連投稿