Mặc dù những khác biệt về văn hóa có thể dễ dàng nhận thấy trong giai đoạn hẹn hò, nhưng một số điều chỉ trở nên rõ ràng hơn sau khi kết hôn. Đây là lời kể từ quan điểm của một người vợ Đài Loan về cuộc sống kết hôn với chồng Nhật và về những khác biệt trong văn hóa mà cô ấy đã trải nghiệm. Dù hai quốc gia này khá gần nhau về mặt địa lý nhưng cũng có một số khác biệt về văn hóa mà bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi đọc đến!
*Bài viết được viết từ quan điểm của một phụ nữ Đài Loan kết hôn với người Nhật và đã chuyển đến Nhật Bản sinh sống sau khi kết hôn.
1. Người vợ sẽ đảm nhận công việc nhà
“Ở Nhật, người vợ đảm nhiệm hầu hết các công việc nội trợ trong gia đình. Tôi cũng không phải ngoại lệ, ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho công việc này.”
“Tôi đã trở nên chăm chỉ hơn kể từ khi tôi đến Nhật Bản! Giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa tối, đổ rác – tôi có thể làm tất.”
“Chồng tôi có giúp việc nhà nhưng tôi phải làm lại vì anh ấy làm không đúng ý tôi nên hầu hết việc nhà đều do tôi làm.”
“Trước đây, tôi không phải làm việc nhà quá nhiều nhưng khi sang Nhật, nó đã trở thành trách nhiệm của tôi.“
Ngay cả những người ít có thói quen dọn dẹp nhà cửa thì sau khi kết hôn với người Nhật, bạn sẽ dần có thói quen này. Điều này là do ở Nhật Bản, người vợ có trách nhiệm phải ở nhà và chăm sóc gia đình. Dọn dẹp nhà cửa 3 lần một tuần là yêu cầu cơ bản; một số thậm chí còn lau dọn mỗi ngày! Các bà nội trợ cũng phải tiễn chồng ra cửa khi chồng mình đi làm.
Vì có vẻ như sự phân biệt giới tính ở Nhật vẫn còn khá phổ biến, nên nam giới thường không có xu hướng giúp đỡ vợ mình trong công việc nhà. Tuy nhiên, họ sẽ không từ chối nếu vợ mình cần giúp đỡ hay một số thậm chí còn muốn giúp, nhưng trường hợp này khá hiếm nếu so với những người chồng đến từ các quốc gia khác. Ví dụ, ở Đài Loan, các ông chồng thường đảm nhận các nhiệm vụ như đổ rác và họ không làm ầm lên nếu vợ không giỏi việc nhà. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng Đài Loan phân chia đều việc nhà, điều này hoàn toàn khác với người Nhật.
2. Người vợ thường phải giỏi bếp núc và luôn có trách nhiệm phải vào bếp
So với các ông chồng Đài Loan, chồng Nhật thường có kỳ vọng cao vào khả năng nấu nướng của vợ mình và muốn dùng bữa tối tại nhà mỗi ngày. Nếu người vợ không giỏi nấu ăn, người chồng sẽ yêu cầu vợ cần cải thiện kỹnăng nấu nướng thay vì chọn đi ăn tối bên ngoài. Điều này hoàn toàn trái ngược với Đài Loan, nơi ăn uống ở ngoài thường rất rẻ và vì vậy, không có gì lạ khi các ông chồng đi ăn một mình hoặc đi ăn tối cùng vợ sau giờ làm, và việc các bà vợ không giỏi bếp núc cũng không có gì to tát. Lý do là vì phần lớn phụ nữ Nhật Bản có thể và được mong đợi là biết nấu ăn. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản khá cao, các ông chồng thích ăn ở nhà hơn nếu họ không phải tham gia các cuộc tụ tập với đồng nghiệp.
Điều này có nghĩa là việc chuẩn bị bữa tối cho gia đình là trách nhiệm quan trọng đối với một bà nội trợ hoặc người vợ làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, ngay cả những người vợ làm việc toàn thời gian cũng phải làm việc này sau khi đi làm và trở về nhà! Người chồng có thể giúp đỡ vợ nếu vợ đi làm về muộn, miễn là điều này đã được thảo luận trước.
Mặt khác, không giống như Đài Loan, nơi nhiều gia đình có xu hướng để thừa lại đồ ăn, ở Nhật Bản, nếu thức ăn còn thừa, các ông chồng sẽ ăn hết để tỏ lòng biết ơn đối với công sức nấu ăn của vợ, bất kể bữa ăn đó có như thế nào. Họ hiếm khi nói những câu như “Tôi không đói!”, “Tôi chưa muốn ăn!” hoặc “Tôi không thích món ăn đó!”, hay rời khỏi bàn ăn khi các món ăn đã được chuẩn bị sẵn, trừ khi họ bị ốm. Nếu vướng bận công việc và không thể dùng bữa ở nhà, họ sẽ thông báo trước cho vợ. Điều này là do ở Nhật Bản vẫn có phong tục đợi mọi người trong gia đình có mặt tại bàn ăn rồi mới bắt đầu vào bữa ăn, mặc dù điều này không còn phổ biến như trước đây.
3. Các bà vợ người Nhật có xu hướng ở nhà làm nội trợ hoặc làm việc bán thời gian
Thời thế đã thay đổi và ngày càng nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc toàn thời gian sau khi kết hôn, tuy nhiên số lượng những bà vợ làm việc bán thời gian hoặc ở nhà làm nội trợ vẫn đông hơn. Các bà vợ không bắt buộc phải có một công việc toàn thời gian trong các gia đình Nhật Bản, trừ khi họ muốn hoặc cần tiền. Ở Đài Loan, các hộ gia đình có thu nhập kép là một điều bình thường, cả vợ và chồng đều làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
4. Người chồng Nhật thường khá cứng nhắc
Đàn ông Đài Loan nhìn chung có tính cách ôn hòa, trái ngược với đàn ông Nhật thường khá cứng nhắc, không e ngại và có tiêu chuẩn cao đối với vợ. Họ không chấp nhận một người đồng hành mắc “hội chứng công chúa”: cô ấy không thể quá bướng bỉnh và phải có cách cư xử tốt. Cách cô ấy gọi chồng mình cũng rất quan trọng và phụ nữ thường nên gọi chồng là “あなた” (thân yêu) hoặc “OOさん” (Ông XXX). Trong một cuộc tranh cãi, người chồng sẽ yêu cầu vợ của mình giữ bình tĩnh và làm sáng tỏ mọi chuyện.
Những người chồng Đài Loan tương đối chu đáo, và sẵn sàng nhún nhường trong các cuộc tranh cãi, cũng như khoan dung với tính khí nóng nảy của vợ. Họ cũng rất tôn trọng quyết định của vợ. Đây là lý do tại sao các phụ nữ Nhật khi hẹn hò với các chàng trai Đài Loan thường cho rằng: “Các chàng trai Đài Loan thực sự rất ngọt ngào và chu đáo!”.
5. Chồng Nhật ngày càng có xu hướng không gần gũi gia đình
Người Nhật ít khi về thăm cha mẹ vào cuối tuần mà thường chỉ đến thăm vào các dịp năm mới, thậm chí có người chỉ về thăm cha mẹ 2 – 3 năm một lần! Điều này là do nhiều người rời quê hương và chuyển đến các thành phố lớn như Tokyo sau khi tốt nghiệp để kiếm sống. Do khoảng cách địa lý xa và chi phí đi lại cao, họ không muốn về thăm nhà quá thường xuyên.
Điều này có nghĩa là người vợ cũng rất ít khi liên lạc với gia đình nhà chồng, chỉ trừ khi họ sống chung với bố mẹ chồng, vì các ông chồng người Nhật thường không đặc biệt quan tâm đến việc hỏi thăm gia đình thường xuyên cho lắm. Các bậc cha mẹ cũng thường tự chăm sóc bản thân cẩn thận để tránh làm phiền đến con cái, trừ trong những trường hợp thực sự cần thiết. Do đó, các vấn đề liên quan đến gia đình nhà chồng cũng được giảm bớt, nhưng so với ở Đài Loan, mối quan hệ gia đình ở Nhật Bản thường ít thân thiết và gần gũi hơn.
6. Người vợ Nhật thường phải phụ giúp việc nhà khi đến thăm gia đình nhà chồng
Vì các ông chồng người Nhật hiếm khi về quê trong suốt cả năm nên các cặp đôi sẽ chọn dịp Tết đoàn viên để về thăm gia đình. Dù các bà vợ có sợ phải tiếp xúc với gia đình chồng đến mức nào, thì họ vẫn cần phải đi cùng chồng về thăm gia đình như một phép tắc. Làm vợ trong gia đình Nhật Bản, họ không thể coi mình là khách trong suốt chuyến thăm mà cần phải giúp chuẩn bị các món ăn truyền thống và làm việc nhà như một quy tắc “bất thành văn”.
”Thật khó để cảm thấy thoải mái khi đến thăm nhà gia đình chồng. Anh ấy tận hưởng dịp Tết bên bố mẹ, trong khi tôi phải làm việc nhà.”
Ở Đài Loan, các bà vợ cũng thường giúp đỡ công việc nấu nướng khi đến thăm nhà chồng, nhưng không có gì lạ nếu mọi người cùng nhau tận hưởng kỳ nghỉ lễ một cách thoải mái hoặc cùng nhau đi ăn tối. Trong khi đó, ở Nhật, nếu người vợ lảng vảng trong phòng khách của gia đình chồng thì sẽ không được nhìn nhận một cách tử tế.
7. Người vợ phải hoàn toàn ủng hộ và tôn trọng chồng mình
Các ông chồng Nhật luôn bận rộn với công việc nên người vợ phải đảm đương và giải quyết mọi vấn đề vặt vãnh trong gia đình. Ví dụ, họ phải chuẩn bị cho các lễ hội truyền thống, chuẩn bị quà tặng và cần phải thể hiện sự hiếu khách với bạn bè của chồng. Ngoài ra, khả năng “cảm nhận được bầu không khí” là một kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Các bà vợ phải quan tâm đến bạn bè, hàng xóm và luôn lịch sự, đoan trang. Điều này đặc biệt đúng đối với các cặp vợ chồng đang sinh sống ở Nhật Bản vì người Nhật thường rất quan tâm đến cách mà mọi người nhìn về họ.
Trong khi Nhật Bản có những tiêu chuẩn xã hội khá nghiêm khắc thì xã hội Đài Loan thường khoan dung và vị tha hơn. Các bà vợ có thể ưu tiên mình hơn một chút và sống thoải mái hơn. Ví dụ, họ có thể trò chuyện với bạn bè và sử dụng điện thoại di động trong các buổi tụ tập. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, điều này được coi là không thể chấp nhận được. Khi người chồng nói chuyện với bạn bè, người vợ phải chăm chú lắng nghe và thể hiện sự quan tâm, ít nhất là phải thể hiện ra bên ngoài, nếu không thì mọi người xung quanh sẽ thắc mắc: “Liệu mọi thứ ổn chứ?”, thực chất, điều đó có nghĩa là: “Bạn có đang lắng nghe hay không?” và “Làm ơn, hãy tham gia cùng mọi người,” hay “Liệu bạn có cảm thấy không khỏe trong người không?”, “Bạn có thấy nhàm chán không?” và những thứ tương tự. Ngay cả khi người vợ hoàn toàn không quan tâm, cô ấy vẫn buộc phải tiếp tục tham gia đến cùng.
8. Những ông chồng người Nhật thường dành những ngày nghỉ chủ yếu cho gia đình
Các ông bố người Nhật thường dành kỳ nghỉ của mình cho vợ con, như đi dã ngoại và vui chơi trong công viên. Đó là lý do tại sao vào mỗi mùa hoa anh đào, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều gia đình đang tổ chức dã ngoại dưới những tán cây anh đào. Còn đối với những cặp vợ chồng chưa có con, họ thường chọn đi du lịch cùng nhau hoặc ở nhà nghỉ ngơi hoặc giải quyết thêm một số công việc. Nói một cách đơn giản, người Nhật ưu tiên thời gian dành cho gia đình.
Trong khi đó, các ông chồng Đài Loan ít có xu hướng dành trọn thời gian rảnh rỗi cho gia đình mà thỉnh thoảng dành những ngày nghỉ của mình cho bạn bè và cha mẹ.
9. Cách nuôi dạy con cái cũng rất khác biệt
Đối với những gia đình có con nhỏ, người chồng Nhật sẽ giao trách nhiệm cho người vợ. Việc các cặp vợ chồng ngủ riêng sau khi sinh con cũng là một điều rất phổ biến để không làm phiền đến giấc ngủ của chồng nếu con nhỏ khóc vào nửa đêm. Có khá nhiều bà vợ Nhật thậm chí còn gợi ý điều này! Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có một số gia đình vẫn sẽ chọn ngủ chung một giường.
Phong cách nuôi dạy con cái của người Nhật cũng khá độc đáo. Người Nhật được dạy phải chu đáo, ôn hòa, ngoan ngoãn và có trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ sẽ không làm hư con mình; họ sẽ để trẻ nhỏ từ 3 – 4 tuổi tự làm mọi việc, hoặc để trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đến trường một mình. Việc cha mẹ la mắng con cái khi chúng mắc lỗi là điều không mấy phổ biến; họ có xu hướng nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng, nói cho con biết chúng đã làm gì sai và cách sửa lỗi, lặp đi lặp lại và kiên nhẫn nếu cần thiết. Đây là lý do tại sao trẻ em Nhật Bản được biết đến là có lối ứng xử rất tốt – bạn sẽ không thường xuyên thấy chúng khóc lóc, la hét trong tàu hỏa, nhà hàng hoặc sân chơi, hay đòi được bố mẹ bế và cho đi xe đẩy. Ngay cả những đứa trẻ mới biết đi ở Nhật Bản cũng biết cách cư xử!
Điều này hoàn toàn khác so với Đài Loan. Những người chồng Đài Loan giúp đỡ vợ rất nhiều trong việc chăm sóc con cái và các cặp vợ chồng sẽ vẫn tiếp tục ngủ với nhau sau khi sinh con. Ngoài ra, họ thường chiều chuộng con cái nhiều hơn so với người Nhật, đôi khi khiến chúng dễ trở nên phụ thuộc quá mức vào cha mẹ.
10. Những điều được coi trọng ở Nhật Bản chưa chắc sẽ được coi trọng ở nơi khác
Mặc dù văn hóa Đài Loan và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng, nhưng sự khác biệt trong giáo dục ở trường học và gia đình cũng dẫn đến sự khác biệt về giá vị và lối sống. Những điều được coi là “lẽ thường” ở nước bạn có thể không được áp dụng ở Nhật Bản và đó là lý do mà một số yêu cầu của những bà vợ có thể khiến các ông chồng Nhật không mấy thoải mái.
Đây là một ví dụ: Người Đài Loan nói chung nghĩ rằng khoan dung là một đức tính tốt và không đánh giá cao việc đòi hỏi ai đó phải tử tế quá mức. Tuy nhiên, các ông chồng Nhật có thể không đồng ý với ý kiến đó. Bản chất cầu toàn của họ yêu cầu mọi việc phải rõ ràng như cái gì sai phải sửa cho đúng, ai sai thì phải xin lỗi. Tuy nhiên, có một vấn đề khác nảy sinh: vậy ai là người quyết định điều gì sai và điều gì là đúng? Nên đánh giá theo tiêu chuẩn Nhật Bản hay Đài Loan? Nếu ông chồng người Nhật yêu cầu vợ mình cư xử như một người bản xứ, chắc chắn người vợ sẽ khó đáp ứng yêu cầu đó. Một người vợ tuyệt vời được mọi người ngưỡng mộ ở Đài Loan sẽ thường “lép vế” hơn trong mắt người chồng.
Lời kết
Một cặp đôi có chồng hoặc vợ là người nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều bất đồng và thách thức và nếu bạn sống xa bạn bè và gia đình, việc phải tự mình đối mặt với những thử thách này có thể sẽ là một trải nghiệm khó khăn. Đôi lúc bạn có thể cảm thấy thật thất vọng, nhưng hãy chia sẻ quan điểm của mình một cách rõ ràng và tìm cách thích nghi với môi trường mới, chắc chắn hạnh phúc sẽ đến với bạn. Hãy bỏ qua tất cả những rào cản và khác biệt về lối sống, đừng nản lòng mà hãy cố gắng trải nghiệm những khoảng thời gian hạnh phúc với người bạn đời của mình. Cuối cùng, chỉ cần có quyết tâm và nỗ lực thì mọi cuộc hôn nhân, dù với người nước ngoài hay cùng quốc tịch cũng sẽ đều viên mãn và hạnh phúc!